Workquake – Dừng chân để viết lại câu chuyện nghề nghiệp

workquake

Bối cảnh của thuật ngữ “workquake” xuất hiện là sau khi đại dịch Covid-19 hoành hoành, cùng với những tác động của chiến tranh, các thảm hoạ tự nhiên và sự phát triển vũ bảo của công nghệ thời đại 4.0. Một làn sóng “nghỉ việc thầm lặng” (quiet quitting) và đại khủng hoảng lao động (great resignation) diễn ra trên toàn thế giới, với các số liệu của Bộ Thống kê Mỹ (BLS) có đến 4 triệu lao động nghỉ việc trong tháng 07/2021, tương đương với 2,8% tổng lực lượng lao động và đây được xem là mức cao nhất trong 20 năm qua. [1]

The great resignation: Làn sóng nghỉ việc ảnh hưởng đến thị trường ra sao

Theo định nghĩa của Bruce Feiler, workquake được xem là “khoảnh khắc gián đoạn, chuyển đổi và đánh giá lại hướng đi công việc của mình theo một cách ý nghĩa hơn.” [2] (a moment of disruption, inflection or reevaluation that redirects our work in a meaningful way). Mặc dù, nghe qua workquake có vẻ đáng sợ và thiếu tính ổn định trong công việc, nhưng nó cho ta thời gian ta nghỉ ngơi, dừng chân sau một thời gian dài làm việc và viết lại câu chuyện nghề nghiệp của mình. Thông thường, mỗi người trung bình sẽ trải qua tình huống workquake sau mỗi 2 năm 10 tháng, và phụ nữ có thể trải qua nhiều hơn 22% so với nam giới.

Bạn biết đó, công việc liên tục thay đổi, và ngày nay, ta đối diện với rủi ro về sự không chắc chắn, bất ổn định của thị trường công việc. Nhưng ta có quyền tự do lựa chọn cơ hội cho mình, và viết lại nó theo định nghĩa về thành công trong công việc của mình. Dưới đây là ba bước mà Feiler đề xuất để bạn có thể tìm kiếm ý nghĩa đó, hay ông còn gọi là “meaning audit”. Song song đó, ông cũng đề xuất rằng người hạnh phúc với công việc không hẳn là người liên tục bước lên những nấc thang sự nghiệp (career ladder) mà là người kiên trì đào sâu (digging) vào ý nghĩa công việc họ đang làm.

Bước 1: Ngẫm lại quá khứ
Đã từng có thời gian bạn rất khao khát trở thành một ai đó khác hoàn toàn với công việc ở thời điểm hiện tại, và thời gian qua đi ước mơ đó gần như bị vùi lấp. Hay dù bạn đã ở trong công việc mình đã từng mơ, nhưng bạn lại đánh mất đi bản thân và không tìm thấy được giá trị mà ban đầu bạn đã đề ra. Nhiều người đã tìm thấy lại công việc mình mơ ước sau những lần sống lại cảm xúc của thời quá khứ.

Bước 2: Nhìn về hiện tại
Hãy hỏi bản thân rằng ưu tiên của bạn là gì? Điều gì làm bạn trăn trở lúc này? Điều đó có khác gì so với năm hay mười năm trước? Điều mà bạn muốn tập trung chính là gì? Có phải là vì bản thân, vì người bạn yêu thương hay vì cộng đồng?

Bởi chúng ta đang có quá nhiều lựa chọn, nên trong quá trình viết lại câu chuyện, bạn cảm thấy bế tắc. Vậy thì mô hình ý nghĩa ABC có thể giúp bạn phân phối thời gian và nhận ra sự ưu tiên của bạn cho những điều gì, và bắt đầu cân bằng lại.

  • A = Agency (Điều mà bạn có thể làm, tạo ra, và kỹ năng mà bạn thuần thục)
  • B = Belonging (Các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu thương của mình)
  • C = Cause (Sứ mệnh hoặc mục tiêu của bạn)

Hãy tự hỏi rằng bạn hình dung như thế nào về ba thành phần trên? Công việc của bạn hiện tại còn thiếu đi những thành phần nào? Công việc mơ ước của bạn sẽ như thế nào để phù hợp và trung hoà ba thành phần trên?

Bước 3: Tạo ra tương lai của bạn
Hãy sử dụng những insights quý giá từ bước 1, bước 2 để định hướng bước 3 của bạn. Hãy xác định câu chuyện công việc ý nghĩa của mình với sáu câu hỏi cơ bản sau. Và dừng lặp lại vòng lặp: cập nhật CV, tìm kiếm công việc và đi phỏng vấn. Bởi nếu chưa trả lời cho chính bản thân về điều bạn muốn, bạn lại tiếp tục rơi vào vòng lặp chán nản công việc như trước đây mà thôi.

1. Who? Bạn muốn trở thành ai?

Hãy hoàn thành mệnh đề sau “Tôi muốn trở thành người mà…”

2. What? Cốt truyện của bạn sẽ là gì?

Trong phần này, bạn sẽ cố gắng suy nghĩ nhiều hơn về điều mà bạn muốn làm, từ những cảm xúc bạn nghĩ là đúng cho bản thân. “Tôi muốn là một công việc mà…”

3. When? Khi nào câu chuyện này sẽ bắt đầu?

Hãy nghĩ về thời gian bạn muốn tiếp tục dành năng lượng của mình cho công việc mà bạn cảm thấy ý nghĩa. Hãy tiếp tục điền vào mệnh đề sau “Tôi bắt đầu khi…”

4. Where? Bạn muốn nó diễn ra ở đâu?

“Tôi muốn mình ở một nơi làm việc mà…” Có thể đó là công việc ở nhà, ở vườn, hay ở bất kỳ đâu mà bạn mơ ước.

5. Why? Điều gì làm bạn cảm thấy công việc đó ý nghĩa?

“Mục tiêu hiện tại của tôi là…” Đây là lúc bạn ngẫm về những điều mà bạn cảm thấy có ý nghĩa, những vấn đề mà bạn thật sự muốn giải quyết. Hãy nghĩ về câu chuyện mà bạn cảm thấy được đồng cảm, và những chủ đề mà bạn có thể nghĩ tới như công bằng (injustice), cá tính (identity), tiền bạc (money),…

6. How? Làm cách nào để bạn đạt được điều đó?

Hãy kết luận với câu “Lời khuyên tôi dành cho bản thân là…” Làm cách nào để bạn cho bản thân cơ hội thay đổi, và bắt đầu một hành trình mới.

Hãy viết ra tất cả những mệnh đề trên để bạn có thể nhìn thấy rõ hơn về câu chuyện nghề mà mình muốn viết tiếp sau giai đoạn workquake.

Hãy dũng cảm đối diện và dành cho bản thân những điều tuyệt vời nhất mà bạn xứng đáng có được!

Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.theguardian.com/business/2021/jul/03/us-jobs-report-june-trend 
[2] https://www.brucefeiler.com/books-articles/the-search/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *